Một Số Câu Hỏi Thú Vị Về Tôm
Những người nuôi tôm tiếp xúc với tôm hằng ngày, ăn ngủ với con tôm, họ rất rành rỏi về con tôm. Tuy nhiên có một số vấn đề người nuôi chưa hẳn đã biết hay còn phân vân về con tôm.
Tôm có ngủ không?
Giống những loài động vật khác, tôm cũng có thời gian nghỉ ngơi. Và ngủ cũng là một hành vi rất bình thường đối với chúng. Không nhiều quan sát được tiến hành, do đó đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin và hình ảnh cụ thể.
Nhưng qua nghiên cứu này có thể kết luận, dù tôm không có cấu tạo và chức năng cơ thể giống với các động vật khác, nhưng tôm vẫn ngủ ở những khoảng thời gian nhất định trong ngày.
Tôm ngủ là khi chúng bất động và nằm nghiêng một bên trên mặt nước. Khi đó những con tôm này không nhận biết được những con khác đang bơi ngang qua, và cả khi các chuyên gia chạm nhẹ, chúng cũng không có phản ứng. Tuy nhiên, với một kích thích mạnh hơn, thì ngay sau đó chúng lật người lại và bơi đi ngay. Khi ngủ chúng thể hiện 3 trạng thái: Bất động, tăng sự nhạy cảm và khả năng đảo ngược cơ thể nhanh chóng.
Tôm có uống nước không?
Tôm điều hòa áp suất thẩm thấu để điều tiết cân bằng nước. Sự điều tiết này giúp tôm duy trì lượng muối và nước thích hợp trong cơ thể, thông qua mang, dạ dày và miệng. Ở môi trường nước mặn tôm uống nước nhiều hơn nước ngọt, tôm uống nước qua miệng để giữ nước cho cơ thể.
Trong ao nuôi, thông qua uống nước tôm hấp thụ khoáng, dinh dưỡng trực tiếp từ môi trường.
Tuổi thọ của tôm là bao nhiêu?
Một vụ nuôi tôm thường kéo dài từ 3-6 tháng, tùy vào khu vực và loại tôm nuôi. Cũng có những con tôm sống lâu hơn, từ những vụ trước còn sót lại. Tuy nhiên tôm có thể sống được bao lâu, thì hầu như chúng ta không để ý. Không có nhiều nghiên cứu về tuổi thọ của tôm.Nhưng về cơ bản tôm thẻ tự nhiên có tuổi thọ trung bình ít hơn 2 năm, con cái thường có tuổi thọ cao hơn con đực. Theo (Gracia 1991) tôm thẻ chân trắng có sự phát triển của tất cả các giai đoạn diễn ra trong hơn một năm; tuổi thọ trung bình là 16 tháng ở quần thể bị khai thác. Tôm thẻ chân trắng tồn tại khoảng bốn tháng ở các cửa sông, và tuổi đẻ lứa đầu tiên là khoảng tám tháng (Gracia 1991). Còn theo (Pattillo et al. In prep.) tuổi thọ của tôm thẻ chân trắng khoảng 18 tháng, nhưng các cá thể đã sống đến bốn năm trong phòng thí nghiệm. Tôm thẻ chân trắng cái thả khoảng 0,5-1,0 triệu trứng mỗi lần đẻ; trứng không dính và lặn.
Tuổi thọ tôm sú đực khoảng 1,5 năm, tôm cái khoảng 2 năm. Và Litopenaeus schmitti là một tôm he, bao gồm cả tôm sú được khai thác thương mại nhiều nhất ở bờ biển Đông Nam và Nam Đại Tây Dương của Brazil.
Tuổi thọ được tính là 2,27 năm đối với con cái và 2,10 năm đối với con đực.
Tôm có tim hay không?
Tôm có tim. Tim thuộc hệ tim mạch, nằm ở phía sau gan bên trong vỏ giáp và gần tiếp giáp với phần bụng, bơm máu, dẫn dinh dưỡng từ gan và dạ dày, và dẫn oxy từ hệ hô hấp, đến các bộ phận khác qua các mạch máu, gồm có mạch máu chạy dọc ở phần phía trên của bụng (chạy dọc lưng) song song với ruột, và các mạch máu dẫn xuống phía dưới ở trong vỏ giáp, và có thể có thêm mạch máu chạy dọc ở phần phía dưới của bụng, mạch máu đi đến phía đầu.
Tôm có tiêm được vaccine hay không?
Tôm là động vật bậc thấp không có hệ miễn dịch đặc hiệu (hay là trí nhớ miễn dịch), miễn dịch tự nhiên (bẩm sinh) là hình thức phòng thủ thiết yếu của chúng.
Nguyên tắc chính của việc tiêm phòng là việc đưa một mầm bệnh đã được làm vô hại (không gây bệnh) vào cơ thể, từ đó kích thích khả năng phòng thủ tự nhiên của sinh vật (hệ thống miễn dịch). Phản ứng miễn dịch chính này kích hoạt khả năng ghi nhớ cho phép sinh vật tự bảo vệ hiệu quả khi bị lây nhiễm bởi cùng một mầm bệnh trong tương lai. Vì vậy, phản ứng này không thể xảy ra ở tôm.
Vì sao ở môi trường nước ngọt-lợ tôm lớn nhanh hơn nước mặn?
Sự tăng trưởng trên tôm xảy ra thông qua quá trình lột xác. Khi lột xác, tôm thẩm thấu một khối lượng lớn nước vào cơ thể khi lớp biểu bì mới vẫn còn mềm và làm tăng lượng chất lỏng trong cơ thể. Từ đó, lớp biểu bì bị kéo căng ra và gia tăng kích cỡ của tôm. Lớp biểu bì mới này dần cứng lên bởi khối lượng nước được thay thế bằng các tế bào mô. Tôm tăng lên về kích cỡ cũng như về trọng lượng
Do khả năng thẩm thấu lớn mà tôm sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ có thể lấy một lượng nước lớn vào cơ thể trong khi lột xác, phát triển kích cỡ và trọng lượng nhiều hơn so với khi sống trong môi trường có độ mặn cao. Thực tế cho thấy, các tế bào mô của tôm đã trưởng thành sống trong môi trường nước ngọt chứa nhiều nước hơn (từ 4-5%) so với tôm sống trong môi trường nước mặn (hàm lượng muối từ 15 ppt trở lên)
Ăn gan tôm là ăn phân hay ăn gạch?
Gan tụy còn được gọi là tuyến ruột giữa, là tuyến tiêu hóa chính, nằm ở phần sau của ngực và ở phần bụng trước tim (nằm ngay trong khoang đầu)
Dạ dạy nằm gần và ngay phía trên gan, là một phần của hệ tiêu hóa. Thức ăn sau khi được tiêu hóa sẽ được đẩy xuống ruột và thải ra ngoài. Dạ dày và ruột là nơi chứa chất thải. Nên khi ăn dạ dày và ruột tôm ta thấy có vị đắng
Trong khi đó gan tụy là nơi dự trữ và chuyển hóa dinh dưỡng, năng lượng. Nên có giá trị dinh dưỡng cao. Khi ăn có mùi vị béo, bùi.
Vì dạ dày rất gần gan tụy, khó tách rời, nên khi nấu chín ta có cảm giác béo, bùi pha lẫn với vị đắng.
Để thưởng thức vị ngon của gạch, và chống lãng phí ta nên loại bỏ phần dạ dày thay vì bỏ nguyên đầu như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Vì sao tôm nấu chín có màu đỏ?
Tôm sau khi luộc sẽ có màu đỏ. Đó là do trong vỏ của tôm có nhiều loại sắc tố, trong đó có một loại carotenoid gọi là astaxanthin, tạo nên sắc đỏ cam cho tôm (astaxanthin cũng chính là sắc tố tạo nên màu sắc đặc trưng của cá hồi). Bình thường khi tôm còn sống, sắc tố này không thấy được do bị bao bọc bởi các chuỗi protein khác nên tôm có màu xanh đen. Sau khi luộc chín, các protein khác bị phá hủy và phân giải ở nhiệt độ cao, sẽ làm hiện ra màu đỏ cam do astaxanthin chưa bị phân hủy. Vì thế tôm bị hấp hay luộc sẽ có màu đỏ tươi mà không có thêm màu nào khác, thậm chí những con tôm màu xanh hoặc vàng cũng đều biến thành màu đỏ cam như vậy.
Có nên cho tôm ăn vào ban đêm?
Trong tự nhiên, tôm thẻ chân trắng là loài có tập tính ăn đêm. Ban ngày chúng đào hang, vùi mình xuống bùn và không tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, trong điều kiện ao nuôi tôm bị kích thích bởi thức ăn (Wyban and Sweeney, 1991). Tôm sú ăn suốt ngày đêm, đặc biệt ăn nhiều vào ban đêm. Tôm thích ăn đáy và ăn ven bờ (Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải, 2004)
Tuy nhiên trong ao nuôi, tôm sử dụng thức ăn công nghiệp ít hơn vào ban đêm, chúng thích ăn thức ăn tự nhiên có trong ao và không thích thức ăn viên lắm. Tôm lãng phí quá nhiều thức ăn, từ bị dẫm đạp cho đến cắn xé một phần hoặc bỏ qua. Hơn nữa thức ăn dư thừa dễ dẫn đến các về đề do thiếu oxy về đêm. Vì vậy nên cho tôm ăn vào ban đêm không quá 1/4-1/3 tổng lượng thức ăn trong ngày, và không nên cho tôm ăn sau 22h.